follow us

Facebook
Google+
Pinterest

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Chua xót cảnh trẻ nhỏ, người già bán vé số kêu gào thảm thương giữa Sài Gòn

Hàng ngày, trên khắp các nẻo đường tại Sài Gòn hoa lệ, có rất nhiều người, phần lớn là người già, trẻ em bán vé số trong hình dạng khổ sở, tàn tật, kêu gào thảm thiết khiến nhiều người động lòng thương xót. Họ đang bán vé số - bán sự may mắn cho người đời, nhưng sao họ phải khổ sở và bất chấp tất cả để làm như vậy?

Người đàn ông này bất chấp tật nguyền, lết trên đoạn đường nhựa bỏng rát để bán vé số.
Những “thần tài rách rưới”
Chắc hẳn đối với nhiều người khi nhắc đến chuyện bán vé số và tờ dò kqxs thường liên tưởng đến hình ảnh những người già, em nhỏ, người tàn tật với dáng vẻ rách rưới, khổ sở, cùng cực đang lang thang khắp các con đường, ngõ ngách để mời chào, năn nỉ mọi người mua vé số. Mỗi lần như vậy, với tâm lý “bầu bí thương nhau”, nhiều người bỏ tiền ra mua giùm họ, chứ không hẳn vì mộng trúng số. Hành động này phần nào đã làm sai lệch đi ý nghĩa của tờ vé số.
Hàng ngày, tại ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai – Cách mạng tháng tám (quận 3, TPHCM), người đi đường đã quá quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ ngoài 30 tuổi, đang lấy tay lau những giọt nước không ngừng rơi trên mặt và mếu máo: “Anh, chị mua dùm em vài tờ vé số, sắp hết chiều rồi mà vé còn nhiều quá!”. Nhìn tập vé số dày cộp trên tay người phụ nữ này, nhiều người đã động lòng và rút tiền ra mua giùm. Không dừng ở đó, để bán nhanh hết hơn, người phụ nữ này còn băng ra giữa đường, khi đèn giao thông có tín hiệu đèn đỏ, để mời mọi người mua vé số. Chị H - người bán hàng nước gần đó cho biết, với thủ đoạn giả vờ khóc lóc khi cầm xấp vé số dày, cộm như vậy, người phụ nữ này có thế bán được 300- 400 tờ vé số/ngày.
Tại một ngã tư khác ở quận Bình Thạnh, trên đường Đinh Bộ Lĩnh giao với đường Bạch Đằng, ngay góc đèn xanh đèn đỏ, người đi đường cũng rất quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ bán vé số đen đúa, thấp bé ẵm đứa con nhỏ xíu, đang nằm ngủ li bì, kệ cho tiết trời nắng như thiêu đốt đang đốt cháy sức khỏe của đứa trẻ. Đoạn đường này hàng ngày có cả nghìn lượt xe qua lại, không ít người thương xót cho người phụ nữ đặc biệt là đứa trẻ, người thì cho tiền, người thì mua vé số. Đã mấy năm nay, người phụ nữ ấy vẫn ngồi như vậy, bất kể mưa hay nắng. Đứa trẻ đen đúa, tội nghiệp đó đã trở thành công cụ cho người phụ nữ kiếm tiền nhiều hơn từ việc bán xổ số.
Cụ bà hơn 70 tuổi tảo tần mưu sinh với những tấm vé số dưới cái nắng như thiêu đốt trên vỉa hè.
Bà Lan - một người dân ngụ tại phường 14, quận 10 bất bình chỉ cho chúng tôi một gia đình trong xóm vì ham kiếm tiền mà nỡ lòng để người mẹ ốm yếu của mình đi bán vé số từ 5h sáng đến chiều tối mới trở về. Cụ già hơn 90 tuổi mệt mỏi, héo quắt như cây khô ngồi lọt thỏm trong xe đẩy, để người con dẫn đi rong ruổi khắp các con đường.
Và còn rất nhiều những hình ảnh xót xa nữa gắn liền với hoạt động bán vé số tại nước ta đã đi vào tiềm thức nhiều người khiến họ coi việc mua vé số là một hành động từ thiện chứ không phải là mua sự may mắn cho mình. Anh Hùng (38 tuổi, kỹ sư) cho biết, khi đi nhậu với bạn bè, tại các quán ăn, không tối nào anh không được mời mua vé số ít nhất 2, 3 lần. Mỗi lần như vậy, thứ nhất là vì trẻ em còn nhỏ đã phải bươn chải cuộc sống, thứ hai là người già lớn tuổi phải lọ mọ đêm khuya kiếm tiền sống qua ngày nên anh thấy thương mà mua giùm. “Tôi ít mua vé số vì không tin vào sự hên xui, nhưng thấy mấy người đi bán vé số cực khổ quá nên lại móc tiền ra mua giùm. Nhiều khi vé số tôi mua rồi về để đấy, cũng không có dò coi mình có trúng hay không nữa”, anh nói.
Và vì thế, tại thành phố đông dân này, người nào càng làm cho người khác thương bao nhiêu thì càng bán được vé số nhiều bấy nhiêu. Lan (32 tuổi, quê Thanh Hóa) lý giải cho chúng tôi biết vì sao Lan hay đưa đứa cháu tật nguyền của mình đi bán vé số khắp nơi: “Cho nó đi như vậy, người ta thương hơn nên kiếm được nhiều tiền hơn”.
Lượng người đổ vào thành phố bán vé số ngày càng tăng, kéo theo sự cạnh tranh, kiếm miếng ăn ngày càng khó trong bộ phận người dân bán vé số. Bán vé số không thể là phép giải bài toán việc làm cho người thất nghiệp. Để cạnh tranh, người ta lại nghĩ ra muôn vàn kế để lấy lòng thương từ người đời. Không kể đến những người thật sự tàn tật, người mất sức lao động còn xuất hiện vô vàn những hình thức như: Giả tật nguyền, những đường dây chăn dắt, người già trẻ em bán vé số, thuê mướn trẻ em bán vé số.
Cần sự văn minh sau những tấm vé số
Ở nước ngoài, vé số được bán tại các siêu thị, đại lý sổ xố, các cửa hàng tạp hóa, cây xăng, tương tự như bán thẻ điện thoại ở nước ta. Người ta mua vé dự thưởng để tìm kiếm cơ hội chứ không phải mua vì sự thương cảm, làm từ thiện. Các công ty xổ số dùng lợi nhuận để đầu tư vào các chương trình phúc lợi xã hội, những chương trình này được công khai minh bạch cho người dân biết. Nếu đợt quay số dự thưởng lần này không có người trúng, số tiền trúng thưởng sẽ được cộng dồn vào đợt quay lần sau. Đơn cử, năm 2013, giải thưởng xổ số lớn nhất nước Mỹ Powerball đã có đợt quay sổ xố với số tiền thưởng lên tới 590,5 triệu USD.
Tại Việt Nam, hình thức bán sổ xố được công ty của Nhà nước quản lý, rõ hơn là địa phương chịu trách nhiệm thu chi, và báo cáo lại với Nhà nước, lợi nhuận từ việc bán sổ xố được dùng để làm phúc lợi xã hội như xây nhà trẻ, bệnh viện… Nếu đợt quay này không có người trúng thì số tiền đó không được cộng dồn vào lần quay sau và như vậy, lợi nhuận các địa phương thu từ sổ xố là rất lớn.
Bà mẹ trẻ này ôm đứa con mới hơn 1 tháng tuổi với xấp vé số trên tay, mưu sinh trong đêm tối.
Từ năm 2007-2012, tốc độ tăng trưởng doanh thu và nộp ngân sách từ hoạt động xổ số đạt bình quân trên 15%/năm. Riêng năm 2012, doanh thu toàn ngành là gần 54.000 tỉ đồng. Trong đó, nộp ngân sách nhà nước 16.620 tỉ đồng, tương đương 30,7% doanh thu. Theo ước tính bình quân giai đoạn 2008-2010, nguồn thu từ xổ số kiến thiết đã chiếm đến hơn 27% tổng thu ngân sách nhà nước của các địa phương này. Cá biệt như Hậu Giang lên đến gần 48%, Vĩnh Long hơn 46%.
Như vậy, sổ xố là hình thức kinh doanh, bán sự may mắn cho nhiều người, thế nhưng lại thực hiện bằng những hình ảnh hết sức đáng thương?
Bên cạnh đó, số lượng người trẻ bỏ quê lên thành phố bán vé số ngày càng tăng. Thống kê của Bộ Tài chính cho biết, hiện nước ta có khoảng 300 nghìn người đang làm việc trong ngành sổ xố. Khá nhiều người bán vé số đang trong độ tuổi lao động, đều có sức khỏe nhưng vẫn bám trụ vào công việc bán vé số. Tâm lý lười lao động là lý do khiến nhiều người trẻ không chịu tìm cho mình một cái nghề để kiếm tiền mà tìm đến sổ xố như một công việc nhàn nhã.
Nhiều người lên thành phố để mong muốn làm giàu, nhưng thực tế không được như mong đợi, nên họ đành phải đi bán vé số để duy trì cuộc sống qua ngày. Vì vậy, lượng người đổ về thành phố ngày càng tăng, tạo nên sức ép về nhà ở và việc làm. Câu trả lời để giải bài toán việc làm cho người thất nghiệp này đặt vào vai trò của các ngành, các cấp, các trung tâm dạy nghề, hỗ trợ việc làm, sở LĐTBXH ở địa phương, nơi chính lực lượng lao động này bỏ đi để lên thành phố.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét